(Bài viết hướng tới các sản phẩm trong thị trường EOD, dựa vào kinh nghiệm cá nhân của người viết)
Nhiều team sau thời gian dài đặt Wembroidery làm áo sample đã quyết định mua máy thêu để chủ động và kịp thời hơn trong việc lên mẫu. Ngoài việc tư vấn về máy móc, Wemb cũng đã hỗ trợ nhiều team trong khâu đào tạo thiết kế để có thể làm ra một chiếc áo sample đẹp, chất lượng.
Bài viết này hi vọng hỗ trợ thông tin cho các team đã-đang có ý định đầu tư máy thêu để làm sản phẩm mẫu.
1. Máy thêu
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng máy thêu khác nhau. Phạm vi bài viết này nói tới các máy thêu điện tử một đầu nhiều kim – các dòng máy phù hợp để đầu tư làm sản phẩm mẫu, bao gồm:
– Tajima Sai
– Brother 6 /10 kim
– Máy công nghiệp 1 đầu của các thương hiệu TQ
Máy Nhật
• Ưu điểm của các máy này là nhỏ gọn, đẹp, dễ vận hành, linh hoạt về chỗ đặt, chất lượng thêu đẹp ổn định.
• Nhược điểm là giá thành cao. Giá máy tham khảo dao động từ 180 triệu đến 280 triệu.
Các thương hiệu máy TQ
• Ưu điểm: Máy có nhiều kim (có thể tới 15 kim) nên thêu mẫu có nhiều màu chỉ thuận lợi hơn. Giá cả mềm, dễ đầu tư. Giá máy tham khảo từ 90 triệu đến 140 triệu.
• Nhược điểm: các máy công nghiệp TQ khá nặng và cồng kềnh nên kém linh hoạt trong việc di chuyển và thay đổi chỗ đặt máy, quá trình vận hành dễ gặp lỗi hơn máy Nhật.
Trong tất cả các yếu tố thì yếu tố máy móc là yếu tố ít ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm thêu nhất. Vì vậy, các team có thể tùy thuộc vào tình hình tài chính để quyết định xuống tiền đầu tư một con máy thêu phù hợp.
2. Người vận hành
So với máy móc thì yếu tố con người mới là yếu tố chính quyết định tới chất lượng của sản phẩm thêu.
Người vận hành ngoài kỹ năng sử dụng máy móc cần có thẩm mỹ, có sự hiểu biết nhất định về nghề thêu, về chất liệu vải thêu, chỉ thêu,…
Mỗi máy thêu có cách vận hành khác nhau.
Mỗi mẫu thêu có bố cục khác nhau, kích thước khác nhau, vị trí thêu khác nhau.
Các sản phẩm có chất liệu vải khác nhau, size khác nhau.
Vị trí mẫu thêu nên hạ xuống bao nhiêu? Lót mấy lớp giấy? Lựa chọn kim số mấy? Độ căng chỉ điều chỉnh như thế nào?
Nếu người vận hành không hiểu về chiếc máy mình sẽ sử dụng, không hiểu chất liệu vải mình cần thêu, không hiểu mẫu thêu, sẽ không thể tạo ra một sản phẩm đẹp được.
Máy móc xịn xò có thể giúp người vận hành nhàn hơn, nhưng người vận hành xịn xò mới là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm.
Thao tác sử dụng máy các hãng máy thêu sẽ hướng dẫn. Còn kinh nghiệm thêu thì một là các team tìm người có kinh nghiệm lâu năm tới truyền đạt, hai là THỬ – SAI, làm và rút kinh nghiệm dần dần.
3. Thiết kế
Bản thân người viết bài đánh giá thiết kế là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của mẫu thêu. Đây cũng là khâu khó tự đào tạo nhất với các team mới nghiên cứu về mảng này.
Thiết kế file thêu khác biệt hoàn toàn với các file đồ họa thông thường. Nó không phải là mảng ghép của các màu sắc như file đồ họa, nó là một thiết kế chuyên biệt, thiết lập ra quá trình điều khiển sự vận hành của máy thêu, để các cây kim chạy từng mũi chỉ trên bề mặt sản phẩm cho tới khi mẫu thêu được hoàn thiện.
Các mẫu có nhiều chi tiết, nên thêu chi tiết nào trước chi tiết nào sau?
Mỗi chi tiết nên sử dụng mũi thêu nào cho phù hợp?
Hướng canh chỉ như thế nào để có hiệu ứng đẹp nhất?
Thiếp lập độ dày mũi chỉ bao nhiêu là phù hợp với chất liệu vải và loại chỉ sẽ sử dụng?
Vì sao mẫu thêu ra chưa đẹp, phải điều chỉnh thiết kế ở đâu?
Máy thêu sẽ dùng để thêu có đặc điểm gì cần lưu ý và điều chỉnh thiết kế?
Một designer thiết kế file thêu, ngoài việc hiểu biết về công cụ vẽ, có kỹ năng vẽ còn cần có sự hiểu biết về nghề thêu mới có thể cho ra một thiết kế chất lượng được.
Như đã nói, phần này rất khó để tự đào tạo. Các team có thể thuê thiết kế từ các bạn designer trong các group thêu truyền thống và học hỏi dần dần. Wemb đã, đang và vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ các team trong việc đào tạo thiết kế file thêu – hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, các yếu tố trên, lựa chọn nguyên phụ liệu tốt như kim thêu, chỉ thêu, chỉ lót, giấy lót,… cũng góp phần tạo ra một sản phẩm thêu đẹp và bền.
Các team cần tư vấn thêm liên hệ: